Quy định về tiêu chuẩn thiết kế xe xăng dầu
Thông tư 66/2014/TT-BCA hướng dẫn chi tiết một số quy định đề phòng cháy, chữa cháy theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP và Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Bồn chứa xăng dầu là phần được lắp trên xe sát xi được thiết kế với dung tích phù hợp để có thể chứa khối lượng xăng dầu nhất định.
Xăng dầu là những chất dễ cháy, do đó bồn phải đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế bồn chứa xăng dầu theo quy định của Nhà nước.
Vậy, khi thiết kế, sản xuất bồn chứa xăng dầu, nhà sản xuất cần tuân thủ những quy định nào?
Để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, bồn chứa xăng dầu cần phải đạt những tiêu chuẩn về vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ được quy định tại Thông tư 66/2014/TT-BCA hướng dẫn chi tiết một số quy định về phòng cháy, chữa cháy theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP và Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Theo đó, cá nhân, tổ chức thuộc các đối tượng như: Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy; Công an các đơn vị, địa phương; Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến hoạt động phòng cháy và chữa cháy khi tiến hành vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ phải tuân thủ một số quy định như sau:
- Động cơ phương tiện phải được cách ly với khoang chứa hàng bằng vật liệu không cháy hoặc khoang đệm theo quy định; Ống xả động cơ được đặt ở vị trí kín hoặc được che chắn, bảo đảm an toàn về cháy, nổ;
- Hệ thống điện bao gồm cả bình ắc quy phải bảo đảm an toàn về yếu tố kỹ thuật, không xảy ra rủi ro phát sinh tia lửa; dây dẫn điện bằng lõi đồng cách điện và có tiết diện theo thiết kế phù hợp;
- Sàn, kết cấu khoang chứa hàng làm bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy và không phát sinh tia lửa do ma sát;
- Có mái che chống mưa, nắng; trang bị đầy đủ phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
Mỗi xe bồn chứa xăng dầu phải được trang bị ít nhất hai bình bột chữa cháy loại 9 kg đặt ở ngoài xe và một bình bột hoặc CO2 loại 2,5 kg đặt trong cabin xe.
- Bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;
- Đối với phương tiện chở chất lỏng nguy hiểm về cháy, nổ có dây tiếp đất. Xe bồn vận chuyển khí đốt hóa lỏng thực hiện theo quy định về khí đốt hóa lỏng - Xe bồn vận chuyển - Yêu cầu an toàn về thiết kế, chế tạo và sử dụng (Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6484).
- Đối với phương tiện vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ bằng đường bộ, đường sắt phải có biểu trưng chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ (theo mẫu) ở kính phía trước và hai bên thành phương tiện.
Đối với bồn chứa xăng dầu phải được sơn chữ cảnh báo cháy “CẤM LỬA” dọc 2 bên thân bồn và phía sau bồn.
- Đối với phương tiện vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ bằng đường thủy, ban ngày phải cắm cờ báo hiệu chữ “B”, ban đêm phải có đèn báo hiệu phát sáng màu đỏ.
Về người điều khiển, người làm việc, người phục vụ trên phương tiện vận chuyển
- Người điều khiển phương tiện phải có giấy phép điều khiển phương tiện và giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy;
- Người làm việc, người phục vụ trên phương tiện phải có giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.
Thông tư 66 nêu rõ khi vận chuyển, tổ chức, cá nhân phải có Giấy phép vận chuyển được cấp theo thủ tục quy định tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư 66. Cần lưu ý là Giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ có hiệu lực trên toàn quốc và có giá trị một lần đối với phương tiện có hợp đồng vận chuyển theo chuyến; có giá trị không quá 12 tháng đối với phương tiện vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo kế hoạch hoặc hợp đồng vận chuyển.
Đặc biệt phải kể đến kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy là một hoạt động cần thiết đối với các cá nhân, hộ gia đình hay tổ chức trong mọi hoạt động, lĩnh vực có liên quan đến phòng cháy, chữa cháy nhằm hạn chế những rủi ro ngoài ý muốn.
Căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế và yêu cầu bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy mà các cá nhân có trách nhiệm quy định Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP xây dựng kế hoạch, nội dung kiểm tra trước khi tiến hành tổ chức thực hiện kiểm tra ở thực tế. Hoạt động kiểm tra có thể tiến hành thường xuyên hoặc định kỳ, đột xuất.
Riêng trường hợp kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với cơ sở, địa bàn ở địa phương thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện trở lên phải thông báo cho cấp quản lý cơ sở, địa bàn đó biết; có thể yêu cầu cấp quản lý cơ sở, địa bàn đó tham gia đoàn kiểm tra, cung cấp tài liệu và tình hình liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy của cơ sở, địa bàn được kiểm tra nếu cần thiết.
Nguồn tham khảo: https://www.google.com.vn/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&source=web&cd=10&cad=rja&uact=8&ved=2ahUKEwjv0fGcj5rjAhWYOnAKHfB5BVUQFjAJegQICBAB&url=https%3A%2F%2Fvietnammoi.vn%2Fquy-dinh-van-chuyen-tieu-chuan-thiet-ke-xe-bon-chua-xang-dau-158762.htm&usg=AOvVaw3vJFenPtaHsEkIGIznamyg